Trên đường phục vụ
2019, Huynh trưởng Nghĩa Sinh đã giúp thường huấn cho các tu sĩ và chủng sinh
tại nhiều cơ sở giáo dục Công giáo như Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, Học viện
Liên dòng Vinh, Đại Chủng viện Hà Nội, Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xavie Vinh,
Tiền Chủng viện Thánh Gioan và Liên đoàn Nghĩa Sinh Vinh-Hà Tĩnh.
Trong buổi tiếp tân
chào đón Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đến Hà Nội, Huynh trưởng
Nghĩa Sinh (HTNS) đã kính lời chào mừng và chúc mừng Đức Tổng trong sứ vụ lãnh
đạo dân Chúa tại Tổng Giáo phận (TGP) Hà Nội. Trong dịp này, HTNS cũng xin Đức
cha cầu nguyện cho chương trình thường huấn “Lãnh đạo Phục vụ” (LĐPV) – đã được
thực hiện tại Việt Nam trong 9 năm qua.
Trong bàn tiệc mừng,
Đức Tổng đã ân cần thăm hỏi và chia sẻ những định hướng và chương trình mục vụ
cho giáo phận và giáo dân TGP Hà Nội. Được hỏi về nội dung khóa học LĐPV 2019,
HTNS đã trình Đức Tổng chủ đề của khóa học năm nay là “Truyền giảng VĂN MINH
TÌNH YÊU và thực thi BÁC ÁI CÔNG BÌNH với phong cách Lãnh đạo Phục vụ theo
gương Đức Kitô.” Người là sáng tổ của phong cách Lãnh đạo Phục vụ khi quỳ xuống
rửa chân cho các tông đồ.
Lãnh đạo Phục vụ theo
gương Đức Kitô bao gồm bốn giai đoạn:
o Giai đoạn 1: Lãnh đạo Bản thân (x. Mt 4,19-20) mà kết quả
là việc cải thiện bản thân, canh tân đời sống đạo đức và nếp sống gương mẫu.
o Giai đoạn 2: Lãnh đạo một Người (x. Mt 14,30-31) là hành
trình giúp một người khác xây dựng, bồi dưỡng và phát triển niềm tin.
o Giai đoạn 3: Lãnh đạo một Nhóm (x. Ga 13,13-14) mà thành
quả là phát triển tình liên kết huynh đệ giữa nhiều cá nhân trong nhóm để cùng
nhau xây dựng cộng đoàn.
o Giai đoạn 4: Lãnh đạo Tổ chức (x. Mt 28,18-20) mà kết quả
là tạo dựng được sự ổn định, hòa hợp và vui tươi trong tổ chức để cùng nhau gặt
hái được thành quả trong sứ vụ truyền giảng Tin Mừng và thực thi Bác Ái.
Quý thầy Chủng sinh tại Đại Chủng viện Hà Nội đã hăng hái tham
dự các tiết học do HTNS đảm trách giảng huấn. Quý thầy – rất đạo đức và thông
minh – đã chủ động trong chương trình xây dựng Nhóm, làm việc Nhóm và lãnh đạo
Nhóm (Team building, Team work, Team leadership). Chủ động tham khảo tài liệu,
đúc kết thành bài thuyết trình PowerPoint rồi trình bày cho cả lớp về ý nghĩa
của Phong cách Lãnh đạo Phục vụ theo Đức Kitô và cùng nhau thảo luận / tranh
luận về phương pháp thực hành – chuyển biến lý thuyết thành những kỹ năng thực
dụng để có thể mang ra thực hành trong mục vụ.
Quý thầy đã được dịp
tìm hiểu về sự kiện tác giả Robert K. Greenleaf và các cộng sự của ông đã hệ
thống hóa phong cách LĐPV vào năm 1970 để thích nghi với trình độ văn hóa và
nếp sống mới của con người trong tân thiên niên kỷ. Tiến sĩ Larry Spears, một trong
những tác giả của phong cách LĐPV, đã đúc kết 10 đặc tính / kỹ năng của phong
cách Lãnh đạo Phục vụ như sau.
1. Lắng nghe (Listening): Lắng nghe là nghe một cách
chăm chú để hiểu được từng từ của người nói và hiểu cả những điều không được
nói ra mà mục đích cốt lõi của lắng nghe là để hiểu rõ tâm sự và thông điệp của
người nói – là một thành viên trong nhóm hay một thân chủ được nhóm giúp đỡ.
2. Thấu cảm (Empathy): Thương cảm, đồng cảm và thấu
cảm là diễn tiến tình người được thể hiện với các thành viên trong nhóm và đặc
biệt với những thân chủ mà nhóm giúp đỡ. Đón nhận người khác trong thương yêu
là mấu chốt của thấu cảm – coi người như mình.
3. Chữa lành (Healing): Một y sĩ chữa lành vết thương
thể xác thì một LĐPV được đóng vai trò y sĩ để chữa lành vết thương tinh thần.
Kinh Hòa bình có thể là một toa thuốc “bá bệnh” giúp cho LĐPV chữa lành hữu
hiệu và bền lâu.
4. Nhận thức (Awareness): Nhận thức hay nhạy cảm về
những gì xảy ra quanh ta để hiểu người khác hơn và hiểu chính mình hơn. Biết
mình và biết người sẽ giúp LĐPV làm việc thông suốt, có kết quả và mọi người
vui mừng về những thành quả đó.
5. Thuyết phục (Persuasion): Khi làm một quyết định,
LĐPV dùng thuyết phục hơn là dùng chinh phục bằng chức vụ, quyền hành hay vũ
lực để ép buộc người khác phải theo ý mình. Tạo dựng sự “đồng thuận” và hành
động để “cùng thắng” là lựa chọn của LĐPV.
6. Khái niệm hóa (Conceptualization): Theo Robert K.
Greanleaf, người lãnh đạo phục vụ cần có khả năng tạo dựng “một ước mơ lớn” –
“a big dream” và đặt tất cả nỗ lực vào những viễn ảnh về ước mơ đó.
7. Viễn kiến (Foresight): Là nhìn xa trông rộng. Đây
là khả năng am hiểu về quá khứ và hiện tại để thấy trước được những gì có thể
xẩy ra trong tương lai. LĐPV thấy trước được hành trình (journey) của tổ chức
mình: sẽ đi về đâu, gặp khó khăn gì và thành quả sẽ ra sao?
8. Trách nhiệm quản gia (Stewardship): Từ quản gia lấy từ
Kinh Thánh với hai nghĩa: LĐPV ở mọi cấp bậc trong tổ chức cần có tinh thần
trách nhiệm của một quản gia trong công việc chung và thi hành bổn phận của một
quản gia trong khiêm nhu và trung thành.
9. Cống hiến cho sự phát triển của con người (Commitment to
the Growth of People): Đây là lý tưởng cốt lõi số 1 của Lãnh đạo Phục vụ: vì sự
phúc lợi của con người “nhân bản” nên LĐPV sẵn lòng cống hiến cho sự phát triển
nhân phẩm, nghề nghiệp và tâm linh của mỗi cá nhân trong tập thể mình lãnh đạo.
10. Xây dựng cộng đồng (Community Building): Đây là ly
tưởng cốt lõi số 2 của Lãnh đạo Phục vụ. Từ khởi thủy, con người khắp nơi đã
gắn liền với văn hóa nhóm, văn hóa cộng đồng. Sau khi đã xây dựng “con người”
cá nhân, LĐPV cần để tâm đến việc xây dựng một công đồng cho những cá nhân đó.
Cộng đồng mà LĐPV xây dựng là nơi mà các thành viên sống với nhau trong bình an
và yêu thương. Đây là một cộng đồng “nhân văn” – nơi mỗi thành viên trong cộng
đoàn có nếp sống văn mình và văn hóa kinh điển.
William A. Ward (1921-1994), một nhà giáo dục Hoa Kỳ, đã giới
thiệu một cung cách sống văn hóa kinh điển đến các thế hệ đàn em của thầy như
sau:
PHỤC VỤ trước khi LÃNH ĐẠO
Người Lãnh đạo
Phục vụ cần biết…
* Im lặng trước khi có thể lắng nghe;
* Lắng nghe trước khi có thể học hỏi;
* Học hỏi trước khi có thể chuẩn bị;
* Chuẩn bị trước khi có thể phục vụ;
* Phục vụ trước khi có thể lãnh đao.
- Đoàn Nhân Ái -
Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam